Nhận xét Khang Hữu Vi

Trong sách Lịch sử thế giới cận đại có đoạn liên quan đến Khang Hữu Vi như sau:

Khang Hữu Vi và một số cộng sự của ông (gọi chung là phái Duy tân) đã tích cực truyền bá tư tưởng học thuyết chính trị xã hội của giai cấp tư sản phương Tây và phổ biến khoa học tự nhiên...Ngoài ra, phái này còn giáng những đòn mạnh vào hệ tư tưởng hủ lậu phong kiến, đã gây tác dụng mở đường cho các tư tưởng mới đến và phát triển tại Trung Quốc. Ảnh hưởng của phong trào Duy tân còn lan sang các nước láng giềng ở vùng Đông Nam Á. Một số sĩ phu yêu nước, qua các sách của Khang Hữu Vi (và Lương Khải Siêu), đã tiếp thu tư tưởng cải cách và trở thành những nhà Duy tân hồi đầu thế kỷ XX[17].

Nói về sự nghiệp văn chương của ông, học giả Nguyễn Hiến Lê viết:

Về thơ, trước Cách mạng Tân Hợi (1911), thơ ông có giọng hùng hồn, cảm khái, nhiệt tình ái quốc, cương cường chiến đấu...Sau năm này, thơ ông vẫn còn giọng ái quốc, nhưng có tư tưởng bảo hoàng, lời chua chát, không còn hiên ngang như trước. Ông cũng chủ trương như Hoàng Tuân Hiến, tức giữ phong cách cũ mà diễn tả những ý cảnh mới, dùng nhiều tiếng mới, tưởng tượng phong phú, cảm tình biến hóa. Về văn, tư tưởng chủ yếu của ông ở cuốn "Đại đồng thư". Đại ý, ông đề nghị diệt các sự phân biệt về quốc gia, chủng tộc, giới tính, sản nghiệp,...để cho thế giới được đại đồng. Ông tin rằng hễ bỏ quân quyền, để dân được nắm quyền thì sự liên hợp các quốc gia sẽ dễ dàng vì dân nước nào cũng cần được yên ổn làm ăn...Ngoài ra, ông cũng nhào hết những tư tưởng của Nho, Lão, Phật vào bộ Đại đồng thư làm cho người đương thời theo ông không nổi, chê ông là ảo tưởng, nhưng ai cũng phải nhận ông có tư tưởng khác người, là một triết gia quan trọng thời Thanh mạt, mà tư tưởng cách của ông đáng trọng, công lao của ông với dân tộc đáng kể: Ông là người mở đường cho Cách mạng Tân Hợi[18]

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, viết:

Về thơ, ở thời kỳ đầu (trước chính biến Mậu Tuất), hồn thơ của ông gắn liền với tư tưởng cải lương biến pháp duy tân. Thơ ông có cái tâm tình của một người đón luồng gió mới với niềm tin say mê vào lý tưởng của mình. Ở thời kỳ thứ hai (thời kỳ lưu vong), nhờ tầm mắt được mở rộng khắp đó đây, mà thơ ông vượt khỏi những kiến giải chính trị, để đề cập đến những hình ảnh bao la về Tân thế giới vốn chưa hề có trong thơ Trung Hoa truyền thống. Công phu tu dưỡng thâm hậu học vấn Đông Tây hoàn quyện với cảm hứng của một thi nhân đã tạo nên trong thơ ông có giọng điệu của một ngòi bút viết sử bằng thơ lớn bậc nhất kể từ sau Đỗ Phủ...Về tản văn của ông chủ yếu là văn chính luận, tuy nhiên cũng có những điểm đặc sắc...Bởi ông đã dùng dùng lý luận chặt chẽ, hùng hồn để bác bỏ cựu học, đề xướng tân học. Văn ông giàu tâm huyết nên có ảnh hưởng rộng rãi một thời trong Nho sĩ trí thức Trung Hoa và các nước châu Á[19]